Văn hóa Nhật Bản là chủ đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm và tìm hiểu. Khi nhắc đến nền văn hóa Nhật Bản không thể không nhắc đến những câu chuyện tâm linh, những câu chuyện về yêu quái, ma quỷ được truyền từ đời này qua đời khác. Và “Bách quỷ dạ hành”là một trong những truyền thuyết như vậy.

       Truyền thuyết “Bách quỷ dạ hành” kể rằng vào một ngày âm lịch nhất định trong mỗi tháng (tháng 1 – 2: ngày Tý; tháng 3 – 4: ngày Ngọ; tháng 5 – 6: Ngày Tị; tháng 7 – 8: ngày Tuất; tháng 9 – 10: ngày Mùi; tháng 11 – 12: ngày Thìn) sẽ có một trăm con quỷ cùng tập hợp lại. Chúng chọn lúc đêm thanh vắng để mở một cuộc diễu hành nhằm hù dọa con người, sau đó chiếm lấy nỗi sợ hãi của họ để trở nên hùng mạnh hơn.
                                             (Các loài yêu quái, ma quỷ trong “Bách quỷ dạ hành” )

       Người Nhật xưa kia tin rằng nếu nhìn thấy Bách quỷ dạ hành thì sẽ chết, vì vậy mà các quý tộc thường tránh đi ra ngoài vào buổi đêm. Tuy nhiên, từ thời Heian đến thời Muromachi, vẫn có rất nhiều người nói rằng họ đã nhìn thấy hàng trăm con quỷ đi trong đêm. Người ta có nhiều cách để chống lại ma quỷ, song cách được nhắc đến nhiều có lẽ là tụng một câu thần chú bằng tiếng Nhật.  

      Một trong những con quỷ nổi bật của Bách quỷ dạ hành như: Kuchisake onna – Người đàn bà bị rạch miệng, Kappa – Hà Đồng, Tengu – Thiên cẩu, Yuki Onna – bóng trắng trong đêm tuyết phủ, Karakasa- Ma ô. 

       Kuchisake-onna – Người đàn bà bị rạch miệng
       
Truyền thuyết về Kuchisake onna – Người đàn bà bị rạch miệng là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất trong những câu chuyện ma quái của đất nước hoa anh đào. Sự tích này bắt nguồn từ câu chuyện của một phụ nữ quý tộc xinh đẹp và kiêu ngạo thời kỳ Heian. Người đàn bà này thường xuyên ngoại tình và quá tự tin về sắc đẹp của mình cho đến một ngày người chồng Samurai phát hiện việc lừa dối của ả. Ông ta đã nổi cơn thịnh nộ và dùng chiếc kéo sắt bén rạch một đường từ miệng đến tận mang tai của và nói rằng: ” Giờ thì có đứa nào cho rằng mi xinh đẹp nữa”.

     Theo truyền thuyết này người đàn bà bị rách miệng đã hóa thành quỷ dữ và đi lang thang trong các buổi đêm sương mù mịt để tìm kiếm kẻ thế thân. Bà ta đi lang thang khắp mọi nơi với khuôn mặt bị che kín và sẽ hỏi nạn nhân rằng: “Tôi có xinh đẹp không?”. Nếu nạn nhân trả lời là có thì bà ta tiếp tục mở chiếc khăn trùm đầu ra để lộ khuôn mặt bị rách vô cùng kinh dị và hỏi câu hỏi kia một lần nữa. Khi nạn nhân hoảng loại bỏ chạy thì bà ta sẽ dùng kéo để “xử” người đó ngay lập tức. Đàn ông sẽ bị giết chết tức thì còn phụ nữ sẽ bị rạch miệng như bà ta và trở thành thế thân của Kuchisake onna – Người đàn bà bị rạch miệng. Để thoát khỏi cái chết thì lúc đó nạn nhân phải bình tĩnh và hỏi người lại rằng: “Trông tôi có xinh đẹp không?”

(Kuchisake onna – Người đàn bà bị rạch miệng)

      Kappa – Hà Đồng

      Kappa Hà Đồng là loài thủy quái ác độc và thường ăn thịt người trong văn hóa Nhật Bản. Chúng có hình dáng giống như sự kết hợp của khỉ và ếch, với làn da xanh lá đáng sợ và chiếc mai rùa sau lưng, chỉ có độ cao khoảng đứa trẻ 4 tuổi, có thể sống trên cạn và cả dưới nước. Lúc nhỏ chúng là những con yêu quái vô hại nhưng khi lớn lên chúng biến thành những con quái vật chuyên săn người gần bờ sông và kéo nạn nhân xuống nước, sau đó rút hết nội tạng của họ. Điều kỳ lạ là Kappa là loài yêu quái biết tôn trọng lễ nghi vì thế cách để thoát chết khi gặp phải nó chính là cúi đầu chào. Lúc Kappa đáp lại bạn và cúi đầu chào làm rớt đĩa nước trên đầu. Khi đó chúng sẽ mất đi sức mạnh và bạn có thể chạy thoát thân. 

(Kappa – Hà Đồng)

 Tengu (Thiên cẩu)

     Trong nghệ thuật truyền thống, Tengu được miêu tả như là một sinh vật giống người với mỏ chim dài hoặc là cái mũi như cái mỏ, có cánh và lông đuôi sau lưng, có móng vuốt. Một vài bản vẽ lại tái hiện chúng có móng có vảy, môi, tai nhọn, miệng đầy răng sắc nhọn, chân chim 3 ngón. Giống như những người quái vật khác, chúng thường được gắn kết với màu đỏ. Tuy có hình dạng khá giống người nhưng tengu lại có cách sống khá giống loài chim. Chúng nở ra từ những quả trứng rất lớn và làm tổ ở các cây cổ thụ trên núi cao. Có điều lạ là hầu hết các truyện kể về tengu đều miêu tả chúng dưới hình dạng đàn ông.
Tại Nhật Bản có một ngọn núi mang tên Tengu ở thành phố cảng Otaru trên vùng Bắc Hải Đạo (Hokkaido), là nơi có đền thờ Thiên Cẩu với gương mặt khổng lồ và bộ sưu tập hơn 700 mặt nạ Thiên Cẩu độc đáo từ khắp Nhật Bản.

Tengu (Thiên cẩu)

     Yuki Onna – bóng trắng trong đêm tuyết phủ

     Trong truyền thuyết Nhật Bản, Yuki Onna là những cô gái trẻ bị chết cóng dưới thời tiết mùa đông giá rét và trở thành yêu quái lang thang ở các khu rừng sâu. Chúng thường là những cô gái trẻ tuổi xinh đẹp tuyệt trần, mặc bộ kimono màu trắng như tuyết và đôi mắt tím lạnh lẽo (có mái tóc nâu hoặc tuyết trắng) và đi lang thang khắp các khu rừng núi vào ngày tuyết rơi lạnh giá để quyến rũ những người đàn ông. Sau đó Yuki Onna sẽ giết họ bằng hơi thở lạnh như băng của mình và để họ chết cóng trong rừng bởi cái lạnh giá rét của mùa đông.

(Yuki Onna – bóng trắng trong đêm tuyết phủ)

      Karakasa- Ma ô

      Karakasa- Ma ô là một loại yêu quái do cái ô nan tre cũ biến hóa thành. Loài yêu quái này còn được gọi bằng nhiều tên khác nữa như Karakasa Obake, Kasa Obake, Kasabake và đều có nghĩa là “ma ô”. Chúng có hình dáng kỳ quái với một mắt trên thân dù, lưỡi dài và một chiếc chân nhỏ bé chính là thân ô biến thành. Là loài yêu quái lành tính, không giết hại con người mà chỉ thích trêu đùa cùng họ, Ma ô thích hiện nguyên hình và nhảy nhót mỗi khi trời tối trong nhà và thè lưỡi đỏ ra để hù dọa mọi người. Bên cạnh đó, chúng cũng đặc biệt thích bay lượn xung quanh trong ngày trời mưa tầm tã vì vốn dĩ chúng là những cái ô che mưa.

(Karakasa- Ma ô)

Nurarihyon

      Hay còn được biết đến là Bách Dạ Quỷ – là một yêu quái bí ẩn nhưng lại có sức mạnh và phép thuật rất cao siêu. Nurarihyon được biết đến như là chỉ huy tối cao của tất cả các quái vật và yêu quái – bọn chúng răm rắp nghe lời ông ta và dành cho Nurarihyon sự tôn trọng, cũng như vị trí lãnh đạo trong tất cả các cuộc hội họp của yêu quái. Nhìn chung, ông ta trông khá hiền lành dù có cái đầu kì lạ thon dài hình quả bầu. Khuôn mặt ông ta được miêu tả khá nhăn nheo và cau có, giống như sự kết hợp của một ông già và một con cá trê vậy. Quần áo trên người ông ta rất thanh lịch – thường là một bộ kimono bằng lụa lộng lẫy hoặc là áo choàng của một nhà sư trụ trì. Nurarihyon cũng có phong thái trầm tĩnh, đạo mạo của một người đàn ông lớn tuổi.

(Nurarihyon)


      Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có rất nhiều những câu chuyện kể về những loài yêu quái, ma quỷ như: Hitosume – yêu tinh 1 mắt, Shuten Doji -Tửu thôn đồng tử, Inugami – khuyển thần/linh hồn…