Du học sinh Đỗ Hoài Phương chia sẻ về học bổng Aoyama

2017.06.28 2017.06.28

Du học Nhật Bản chắc không còn là một cụm từ mới lạ với các bạn trẻ Việt Nam, nhưng để được đi du học thì lại là cả một vấn đề lớn với những gia đình không có điều kiện về kinh tế. Lúc này học bổng là một từ khóa có lẽ được kiếm tìm nhiều nhất đối với các bạn học sinh. Học bổng toàn phần lại càng giống như một giấc mơ xa vời.

Thấu hiểu tâm tư của các bạn học sinh có mong muốn đi du học tại Nhật, Công ty TNHH tư vấn MCHR Nhật Việt đại diện cho Tập đoàn Aoyama Care Support trao cho các bạn học sinh cơ hội để đạt được ước mơ đó.

Cùng lắng nghe những cảm nhận của bạn Đỗ Hoài Phương (du học sinh Chương trình MCHR, đang học tại tỉnh Osaka, Nhật Bản) nói gì về học bổng nhé!

Lý do lựa chọn học bổng của MCHR? Tại sao lại lựa chọn du học điều dưỡng ở Nhật Bản trong khi ngành này chưa thực sự phát triển tại Việt Nam?

Trước tiên đối với một người học ngoại ngữ thì chắc hẳn ai cũng mong muốn được đặt chân đến đất nước nói ngôn ngữ đó. Không chỉ bởi lý do được thực hành tiếng (ngôn ngữ) mà quan trọng hơn cả chính là việc được trực tiếp tìm hiểu, tiếp xúc văn hóa và sống cùng với con người của đất nước đó. Mình cũng vậy, mình muốn đến Nhật và luôn ấp ủ trong mình một cơ hội để được học tập tại đất nước này.

Mình tìm hiểu và thấy rằng có rất nhiều thông tin học bổng tại Nhật Bản, đặc biệt là học bổng về ngành điều dưỡng. Tuy nhiên thông tin chưa được rõ ràng. Một cách rất tình cờ, mình được nghe nói về học bổng MCHR với thông tin khá lý tưởng (có thể nói là có phần hơi phi thực tế đối với nhận thức của một người Việt Nam như mình). Chính vì vậy mình đã liên lạc trực tiếp với Công ty cấp học bổng để tìm hiểu. Mình nhận thấy chương trình thi tuyển và lộ trình học tập cũng như làm việc mà Công ty đưa ra rất rõ ràng. Mình được cán bộ công ty tư vấn và giải thích cặn kẽ về ngành điều dưỡng tại Nhật và mục đích mà học bổng hướng đến. Cảm thấy phù hợp nên đã quyết định tham gia ứng tuyển.

Ngành điều dưỡng có lẽ là một ngành khá lạ lẫm và chưa thực sự được quan tâm tại VN. Tuy nhiên tại các nước phát triển và đặc biệt là Nhật Bản thì ngành này đã được đầu tư và phát triển từ rất lâu rồi. Cùng với sự phát triển của xã hội thì tuổi thọ của con người ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh có xu hướng tỷ lệ nghịch với tuổi thọ. Do đó việc đầu tư cho ngành chăm sóc sức khỏe và đời sống người cao tuổi là rất cần thiết. Việt Nam trong tương lai cũng sẽ không thể nằm ngoài quy luật đó.

Thực tế rằng từ nhỏ mình sống khá gần gũi với ông bà, nhận được nhiều tình yêu và sự quan tâm chăm sóc. Lớn lên chứng kiến ông bà ngày càng già yếu, mình luôn hy vọng mình làm được gì đó cho ông bà. Xa hơn, không chỉ ông bà mình mà còn có thể giúp cho những người cao tuổi Việt Nam có được đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần vui vẻ và ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Thay đổi của bản thân trước và sau khi đi du học

Đó là sự thay đổi rất lớn trong nhận thức về cuộc sống và con người. Mình thấy mình hoàn toàn đúng đắn khi tham gia chương trình này.

Mình đã rất may mắn khi trong cuộc sống của mình được tiếp xúc với hai gian đoạn quan trọng của cuộc đời một con người. Đó là khi con người mới chỉ là những đứa trẻ non nớt, trong sáng như tờ giấy trắng và khi họ đã trải qua gần hết cuộc đời. Cảm nhận được cuộc sống thật quý giá và đáng trân trọng biết bao.

Mình thấy mình sống có ý thức và trách nhiệm hơn, biết yêu thương và đồng cảm với người khác, học hỏi được nhiều điều tốt đẹp trong văn hóa của người Nhật như là tác phong nhanh nhẹn và luôn đúng giờ này, làm việc hăng say với tinh thần trách nhiệm cao nữa.

Cảm nhận đầu tiên khi sang Nhật và khó khăn gì?

Cảm nhận đầu tiên là về môi trường. Đường xá vô cùng sạch sẽ và hạn chế tối đa tiếng ồn. Người dân chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe đạp.

Con người chan hòa, nhiệt tình và dễ chịu. Câu cửa miệng luôn là cảm ơn và xin lỗi. Văn hóa xếp hàng ăn sâu vào con người đến mức người Nhật sẵn sàng xếp hàng cả tiếng chỉ để được ăn một bát mì ramen mà không có một lời phàn nàn nào.

Quyền cá nhân được đề cao nhưng cá nhân không tách ra khỏi tập thể. Điều mình thích nhất là có thể mặc bất cứ cái gì mình thích ra ngoài mà không cần lo lắng về ánh mắt của người khác. Tất nhiên là bạn không nên mặc váy quá ngắn đâu đấy.

Khó khăn đầu tiên phải gặp phải là đường xá hoàn toàn sử dụng chữ kanji và không có tên đường. Rất dễ bị lạc nếu như chưa quen.

Tiếp theo là phân loại rác, đau đầu phết nhưng giờ thì đỡ rồi!

Thú vị và khó khăn khi du học Nhật?

Thú vị nhiều lắm nhé:

+ Học những điều mới mẻ hơn, nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình.

+ Biết thêm nhiều điều, mở mang nhiều kiến thức về văn hóa và con người Nhật Bản.

+ Làm quen và kết bạn với nhiều người từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

+ Được trải nghiệm những điều mới lạ, đi những miền đất mới mà trước đây chỉ nghe qua sách vở, ăn những món ăn ngon.

+ Rèn luyện con người cả về trí tuệ và sức khỏe. Đi bộ hàng ngày không lo nguy cơ bệnh tim mạch và béo phí. Không tin bạn hãy thử trải nghiệm mà xem.

Bên cạnh đó, mình cũng gặp không ít khó khăn:

+ Luôn phải chuyển động. Bạn luôn phải kết hợp học tập và làm việc. Ngày nào cũng có vô vàn điều mới bạn cần phải học và ghi nhớ đấy, chúng không thừa đâu.

+ Bạn biết không, cuộc sống thì vô cùng tiện lợi nhưng theo đó vật giá cũng không vừa chút nào (cười)

Công việc điều dưỡng là công việc như thế nào?

Đó là công việc chẳng hề dễ dàng chút nào. Bạn cần có sức khỏe, sự kiên nhẫn và tấm lòng yêu thương con người.

Hãy tự tưởng tượng khi bạn già yếu, bạn không thể tự do đi lại, tự do làm những điều mình thích nữa. Thậm chí đến vệ sinh cá nhân cũng không thể tự làm được, không thể tự chủ việc đi vệ sinh của chính cơ thể mình lúc nào, ở đâu. Ăn uống cũng rất khó khăn và có thể nghẹn bất kỳ lúc nào. Bạn cần một người giúp đỡ và hiểu những khó khăn mà bạn đang trải qua. Công việc của điều dưỡng là lúc đó đó.

Điều dưỡng không đơn thuần là người giúp đỡ, hỗ trợ cho người cao tuổi mà quan trọng là sự cảm thông, tấm lòng yêu thương trân trọng và trái tim biết lắng nghe. Nếu không có những thứ này, nhất định không nên trở thành điều dưỡng viên.

Vừa đi học vừa đi làm có áp lực quá không?

Ở trường học, thầy cô rất nhiệt tình chỉ dạy, sẵn sàng giải đáp ngoài giờ mọi thắc mắc của học sinh. Tại cơ sở làm thêm, từ lãnh đạo đến các nhân viên cùng làm đều tận tình chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất, kiên trì giải thích đến khi nào bạn hiểu thì mới thôi.

Vì vậy, đối với bản thân mình mà nói, mọi thứ không có gì khó khăn hay áp lực cả. Quan trọng là bản thân mình cần luôn cố gắng nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm mà thôi. Nếu thực sự không làm tốt, mình còn cảm thấy có một chút áy náy và phụ công với sự nhiệt tình của thầy cô, của mọi người.

Chia sẻ kinh nghiệm thi N3 ở Việt Nam? Chia sẻ môi trường học tập và làm việc tại Nhật? N3: + Chăm chỉ luyện nghe, luyện chữ Hán càng nhiều càng tốt. + Luyện đề thật nhiều để quen các dạng đề nữa nhé. Môi trường học tại Nhật: Trường học ở Nhật vô cùng nghiêm khắc nhưng cũng rất thoải mái cho học sinh trau dồi kiến thức và thể hiện bản thân. Học mọi lúc mọi nơi có thể. Môi trường làm thêm: + Đúng giờ + Phải tuân thủ quy định chung + Vui vẻ hòa đồng với đồng nghiệp + Xác nhận với cấp trên bất kỳ khi nào không hiểu rõ về công việc. “Không phải con đường nào cũng trải toàn hoa hồng“, đi du học cũng vậy, không thể tránh khỏi những khó khăn cũng như thất bại khi bạn lại là lần đầu tiên sang xứ người. Nhưng nó đem đến cho bạn rất nhiều vốn sống đáng quý, giúp bản thân mỗi chúng ta ngày một trưởng thành hơn. Hãy cố gắng để tự mình trải nghiệm nhé. (Đỗ Hoài Phương, du học sinh Chương trình học bổng MCHR, tỉnh Osaka, Nhật Bản.)