Trước thời kỳ Minh Trị, ngày năm mới của Nhật Bản cũng được dựa theo lịch âm giống với Việt Nam. Tuy nhiên, vào năm 1873, năm năm sau khi Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian (lịch dương bây giờ) và ngày đầu tiên của tháng đã chính thức trở thành ngày văn hóa năm mới ở Nhật Bản.

Tuy nhiên những phong tục ăn Tết của người Nhật từ bao đời vẫn còn giữ lại như là nét văn hóa Quốc gia. Cùng tìm hiểu thêm về một vài đặc trưng trong phong tục đón Tết của người Nhật nhé.

  1. Món ăn truyền thống trong ngày Tết

Vào những ngày tết, người Nhật sẽ ăn một món ăn gọi là osechi-ryori (thường được gọi là Osechi)

Osechi được ví như một bữa tiệc bởi nó được tạo nên từ những Hộp tráp Jubako xếp chồng lên nhau. Bên trong tráp thì có nhiều ô ngăn, mỗi ô có một món với vật liệu và màu mè bắt mắt. Mỗi món đều có ý nghĩa cầu phúc với những điềm tốt lành cho năm mới.

Các món ăn thường thấy trong osechi và ý nghĩa

  • Daidai (橙) món cam đắng Nhật Bản. Daidai đúng ra là một cách chơi chữ vì đồng âm với 代々: nghĩa là “đời đời”. Món cam là nói lên ý nguyện trường tồn của một gia tộc.
  • Datemaki (伊達巻 hoặc 伊達巻き) : trứng tráng cuộn với tương cá hoặc tôm nghiền. Đây là lối chơi chữ đồng âm “date/y” 伊 và “y” 衣 vốn có nghĩa là “trang phục”, với ý nguyện mong ước quần áo lộng lẫy.
  • Kamaboko (蒲鉾) : chả cá luộc. Chả cá này thường nhuộm màu hồng bên ngoài, bên trong thì trắng nên khi cắt ra thì hiện cả hai màu. Trong tráp osechi thì món kamaboko được xếp vào cho phong phú về màu sắc.
  • Kazunoko (数の子) : món trứng cá trích. Kazu có nghĩa là “số” và “ko” nghĩa là “con trẻ”. Món này tượng trưng cho lời chúc con đàn cháu đống.
  • Konbu (昆布) là tảo bẹ. Âm này gợi lên yorokobu (喜ぶ: hỷ –), có nghĩa là “vui vẻ”.
  • Kuro-mame (黒豆), đậu nành đen. Mame còn nghĩa là “khỏe mạnh”, tượng trưng cho lời chúc sức khỏe cho năm mới.
  • Kohaku-namasu (紅白なます), có nghĩa là “rau dưa đỏ trắng”. Món này là cà rốt và củ cải xắt sợi, ngâm giấm nước quýt yuzu. Hai màu trắng và đỏ đối với người Nhật là hai màu truyền thống biểu thượng niềm vui hòa hợp âm dương nhị khí.
  • Tai (鯛): cá điêu. Âm tai ở đây dùng gợi ý đến medetai (めでたい) có nghĩa là chào đón. Chính cá tai cũng là biểu tượng điều tốt lành.
  • Tazukuri (田作り): khô cá mòi kho nước tương. Khi viết bằng kanji, món ăn có nghĩa là “làm ruộng”. Đối với nhà nông đây là ý nguyện được mùa.
  • Zouni (雑煮): món canh bánh dày, tương tự như món tteokguk của Triều Tiên hay bánh chay của người Việt nhưng vị mặn vì nấu với nước dùng hoặc nước miso.
  • Ebi: tôm rim với rượu sake và nước tương.
  • Nishiki tamago (錦卵): món trứng tráng cuộn lại nhưng lòng trắng tráng riêng, lòng đỏ tráng riêng rồi cuộn lại. Màu vàng và trắng tượng trưng cho vàng và bạc, chúc tiền tài dư dả.

Ngoài ra, để tiễn năm cũ, mừng năm mới, người Nhật còn có tập tục ăn mỳ Toshikoshi Soba vào đêm giao thừa. Sợi mỳ dài, dai dai nhưng lại dễ bị cắn đứt. Do vậy người Nhật quan niệm rằng ăn mỳ Toshikoshi Soba vào trước thời khắc giao thừa sẽ dễ dàng cắt bỏ những muộn phiền của năm cũ và chào đón những điều may mắn, sống thọ vào năm mới.

  • 2. Các hoạt động trong phong tục đón năm mới của Nhật Bản:Tổng vệ sinh nhà cửa:

Ngày Tết chính thức ở Nhật bắt đầu từ ngày 01/01 đến ngày 03/01 dương lịch hàng năm. Trước ngày Tết, trên toàn nước Nhật sẽ có một cuộc tổng vệ sinh nhà cửa, công ty, trường học, thần điện, chùa chiền… Bởi lẽ, người Nhật tin rằng vị thần năm mới Toshigamisama chắc chắn ghé thăm nhà mình và mang đến những điều may mắn cho gia chủ nên nhà cửa phải thật sạch sẽ, ấm cúng và treo một Shimenawa để đón thần nhập trạch. 

Ngày xưa, việc tổng vệ sinh nhà cửa trước Tết thường diễn ra vào ngày 13/12 dương lịch và được gọi là Susuharai. Tuy nhiên, vì cuộc sống quá bận rộn nên hiện nay việc vệ sinh nhà cửa có thể được tiến hành vào cuối tháng.

  • Trang trí nhà cửa

Sau khi dọn dẹp xong, người Nhật tiến hành trang trí nhà cửa. Đây là một trong những hoạt động không thể thiếu khi đón Tết của người Nhật Bản. Người Nhật thường chọn ngày 28 và 30 để trang hoàng không gian sống. Những món đồ thường xuất hiện trong ngày Tết của người Nhật là:

  • Shimenawa: Shimenawa được treo trước cửa nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và chào đón thần linh đến thăm. Ngoài ra, Shimenawa còn tượng trưng cho những điều bình yên, tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc sống của gia chủ.
  • Kadomatsu: Kadomatsu được làm từ 3 ống tre tươi vát chéo và trang trí bởi cành thông đánh số lẻ cùng các chi tiết khác để trông đẹp mắt hơn. Kadomatsu được đặt ở cạnh cửa nhà hoặc công ty nhằm cầu chúc một năm mới hanh thông, sức khỏe tốt. 
  • Wakazari: Wakazari được đặt trong bếp, là một vòng tròn được quấn bằng rơm với ý nghĩa cảm ơn thần lửa và thần nước.

 

  • Viết thiệp chúc tết – Nengajo

Vào tháng Chạp, người Nhật sẽ chuẩn bị các tấm thiệp ghi lời chúc tốt đẹp gửi đến người thân và những người đã giúp đỡ mình. Thiệp được gửi đi trước ngày 31/12 để có thể chuyển phát đến người nhận vào đúng ngày 1/1. 

  • Tham dự lễ hội rung chuông đêm giao thừa – Joya no Kane

Lễ rung chuông – Joya no kane là một trong những phong tục lâu đời của Nhật Bản. Trong đêm giao thừa, 108 hồi chuông dài sẽ được gióng lên, đánh dấu năm cũ qua đi và năm mới đã đến. Phong tục này tượng trưng cho sự thanh lọc tâm trí, linh hồn của mọi người trong năm cũ trước khi bước sang năm mới.

  • Thăm chùa đầu năm – Hatsumoude

Người Nhật thường xuất hành viếng chùa hoặc đền thờ vào đêm giao thừa. Đây cũng là một phong tục nổi tiếng nhất của đất nước Phù Tang trong dịp Tết truyền thống. Người Nhật thăm viếng chùa đầu năm để cầu bình an, hạnh phúc, mong muốn một năm an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe.

  • Thờ cúng ông bà tổ tiên

Ngày Tết cũng là dịp con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Cụ thể, người Nhật sẽ đặt các loại bánh Tokonoma, bánh dầy Ozoni hoặc Sushi lên bàn thờ để tỏ lòng thành kính, sau đó đến thăm hỏi và khấn cáo tiền nhân, tổ tiên để họ che chở dẫn dắt hậu thế. Hoạt động này sẽ xuyên suốt 3 ngày tết chính.

  • Mừng tuổi đầu năm:

Vào những ngày đầu năm mới, giống như ở Việt Nam, Nhật Bản cũng có phong tục lì xì cho trẻ con. Những phong bao đựng tiền gọi là otoshidama-bukuro.

 

Kết

Cám ơn bạn vì đã đọc hết bài viết. Hi vọng những nội dung trên có ích cho bạn.